Tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh và quy mô khi thành lập doanh nghiệp, người quản lý nên chọn cách tính tiền lương phù hợp. Sau đây là tổng hợp tất cả kiến thức về tiền lương mà một người làm nhân sự cần nắm.

Tiền lương có ý nghĩa gì trong doanh nghiệp?
Tiền lương là số tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động, tuân theo quy định của pháp luật và theo sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng lao động. Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn, tiền lương còn là thu nhập của người lao động, bao gồm: tiền lương cơ bản và các khoản tiền phụ cấp, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ý nghĩa của tiền lương đối với người lao động:
– Người lao động được trả lương và dùng phần lớn tiền lương vào việc tiêu dùng, sinh hoạt. Tiền lương là khoản thu nhập giúp ổn định cuộc sống.
– Tiền lương là yếu tố kích thích người lao động tích cực làm việc, có trách nhiệm về công việc của họ.
– Tiền lương cao hay thấp còn là thước đo giá trị sức lao động, phản ánh năng lực thực sự của mỗi cá nhân.
Tiền lương đóng vai trò quan trọng tạo không khí vui vẻ và động lực làm việc
Ý nghĩa của tiền lương đối với doanh nghiệp:
– Tiền lương là một bộ phận của chi phí sản xuất, do đó cần được tính toán thật kỹ càng, chính xác.
– Tổ chức tiền lương là công cụ hữu hiệu để xây dựng nguồn lực nhân sự, quản lý nguồn lao động trong doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp trả lương càng cao, nhân viên càng có động cơ không bỏ việc. Nhờ vậy, doanh nghiệp tránh được chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động mới.
Một số lưu ý trong việc tính tiền lương
1. Những căn cứ để tính lương
– Hợp đồng lao động.
– Bảng chấm công.
– Phiếu xác nhận sản phẩm, phiếu xác nhận công việc hoàn thành. (Trong trường hợp nếu doanh nghiệp bạn sử dụng cách tính lương theo sản phẩm, lương khoán).
– Quy chế lương thưởng của DN.
– Mức lương tối thiểu vùng: Là mức tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho Người lao động.
– Tỷ lệ trích các khoản theo lương: để xác định số tiền đóng các khoản bảo hiểm.
– Mức lương đóng các khoản bảo hiểm.
2. Tiền lương trong hợp đồng lao động cần có:
– Mức lương: Đây là mức lương trong tháng lương.
Lưu ý: Theo quy định, mức lương khi làm bảng lương không được phép thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
– Phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác.
3. Sử dụng những hình thức trả lương theo quy định
– Tiền lương theo thời gian.
– Tiền lương theo sản phẩm.
– Tiền lương khoán.
Các hình thức tính lương phổ biến
Hiện các doanh nghiệp áp dụng rất nhiều cách tính tiền lương (dựa theo thời gian, sản phẩm, doanh số/doanh thu hoặc tiền lương khoán).
1. Cách tính tiền lương theo thời gian
Lương theo thời gian dựa theo thời gian làm việc của người lao động (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ). Đây là cách tính tiền lương phổ biến được nhiều doanh nghiệp và công ty lớn, nhỏ áp dụng.
Công thức tính lương theo thời gian:
Tiền lương giờ = Tiền lương ngày/ Số giờ làm việc bình thường.
Tiền lương ngày = Tiền lương tháng/ Số ngày làm việc bình thường trong tháng.
Tiền lương tuần = (Tiền lương tháng x 12 tháng)/52 tuần
Ở cách tính lương theo tháng, thực tế ở doanh nghiệp áp dụng 01 trong 02 công thức sau:
Công thức 1:
Tiền lương tháng = Lương + ((Phụ cấp nếu có)/ngày công chuẩn của tháng)* số ngày làm việc thực tế
– Ngày công chuẩn của tháng là ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ.
– Tiền lương tháng tính theo công thức này thường là con số cố định (chỉ thay đổi khi người lao động nghỉ không hưởng lương).
Công thức 2:
Tiền lương tháng = ((Lương + Phụ cấp nếu có)/26) * ngày công thực tế làm việc
– Tiền lương tháng không là con số cố định, biến động theo từng tháng.
– Nếu muốn nghỉ không hưởng lương, người lao động cần cân nhắc nên nghỉ tháng nào để ít ảnh hưởng đến thu nhập nhất.
2. Cách tính tiền lương theo sản phẩm
Tiền lương theo sản phẩm là tiền lương phụ thuộc vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm do người lao động làm ra và đơn giá trả cho một đơn vị sản phẩm.
Công thức tính lương theo sản phẩm:
Tiền lương theo sản phẩm = Sản lượng sản phẩm * Đơn giá sản phẩm
3. Cách trả lương khoán
Lương khoán là tiền lương người lao động được hưởng dựa trên khối lượng, số lượng và chất lượng công việc hoàn thành.
Công thức tính lương khoán:
Tiền lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc
– Mức lương khoán được thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhân viên.
– Hình thức trả lương này được duy trì trong một thời gian nhất định
Một số công thức tính lương khác
1. Cách tính lương làm thêm giờ
– Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm.
Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định như sau:
Mức ít nhất 150%: So với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường.
Mức ít nhất 200%: So với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Mức ít nhất 300%: So với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của bộ luật lao động, đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
– Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số sản phẩm làm thêm.
Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định như sau:
Mức ít nhất 150%: So với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường.
Mức ít nhất 200%: So với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Mức ít nhất 300%: So với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
2. Cách tính lương ngày lễ
Những ngày người lao động được nghỉ lễ tết hưởng nguyên lương đang được quy định tại điều 112 của Bộ luật Lao động. Gồm có 11 ngày:
– Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch)
– Tết Âm lịch: 05 ngày
– Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
– Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch)
– Ngày Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau)
– Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch)
– Từ năm 2021, Ngày Quốc Khánh 02/09 sẽ được nghỉ 2 ngày.
Như vậy, Tiền lương theo hợp đồng lao động để tính lương ngày nghỉ lễ tết bao gồm có Mức Lương, Phụ cấp lương và Các khoản bổ sung khác.
Tiền lương trả cho người lao động những ngày nghỉ lễ, tết không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động như: tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại,…
3. Cách tính lương tháng 13
Cách tính lương tháng 13 năm 2019 được tính trong trường hợp lao động đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng lương thứ 13 và tính dựa vào số tháng làm việc trong năm.
Đối với trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng sẽ được hưởng lương này theo mức độ làm việc: Thưởng tháng thứ 13 = M/12 nhân TLTB.
(Trong đó: M là thời gian lao động, TLTB là tiền lương trung bình trong thời gian lao động).